Ai Cập chiếm đóng bởi người Anh (1882 - 1936) Ai Cập dưới thời nhà Muhammad Ali

Cuộc khởi nghĩa của Ahmad Arabi (1881 - 1882)

Cuộc "Kiểm soát song phương" làm cho tinh thần quốc gia ở Ai Cập ngày càng dâng cao. Các nhóm ái quốc Ai Cập viết những vở tuồng, những bài báo đòi độc lập và một chế độ có hiến pháp. Nhiều người ảnh hưởng tư tưởng của ông Jamal al-Din al-Afghani, kêu gọi tín đồ Hồi giáo đoàn kết chống lại thực dân châu Âu.

Năm 1881 đại tá Ahmad Arabi (cũng viết là Urabi, hay Anh hóa là Orapy,…) dấy quân chống lại bộ trưởng Bộ Chiến tranh, rồi tiếp đến chống lại Tewfik Pasha. Ông đòi hỏi lập hiến pháp qua bầu cử của đại chúng, và tăng thêm ngân sách cho quân đội. Các phe nhóm yêu nước theo ông rất đông, trong đó có nhiều người Copt theo Cơ Đốc giáo. Đầu năm 1882 họ nắm nội các và quân đội. Những cuộc phiến loạn nổ ra ở các thành phố hải cảng.

Từ thời Sa'id Pasha và Isma'il Pasha, người Ai Cập dần dần được có chức vụ trong quân đội. Các sĩ quan Ai Cập lập các bang, hội kín để chống lại sự kỳ thị chủng tộc, ưu đãi các sĩ quan người Thổ Nhĩ Kỳ và người Circassian, có đặc quyền từ nhà Ottoman và nhà Mamluk. Các nhóm này nay trút cơn giận của họ lên người Thổ Nhĩ Kỳ, người Circassian, người Âu rồi luôn cả tín đồ Cơ Đốc giáo người Ai Cập.

Trước tình thế này, vào tháng 5 người Anh và Pháp cho tàu chiến đến phong tỏa hải cảng Alexandria. Điều này khiến tình hình căng thẳng thêm. Hơn 100 người nước ngoài bị giết. Ngày 11 tháng 7 năm 1882, tàu chiến Anh nã pháo vào Alexandria. Các đại sứ hội nghị ở Constantinopolis, nhà Ottoman được mời đem quân vào bình định Ai Cập, nhưng họ từ chối. Chính phủ Anh mời Pháp cộng tác để chiếm đóng Ai Cập. Pháp từ chối. Anh mời Ý, Ý lại cũng từ chối.

Tháng 8 năm 1882, quân Anh đổ bộ Ai Cập qua ngã các thành phố Port Said, SuezIsmailia bên kênh Suez. Người Ai Cập đánh lui được quân Anh tại trận Kafr-el-Dawwar, nhưng ngày 13 tháng 9 năm 1882 bị thua trận đánh quyết định Tel el-Kebir.

Ahmad Arabi bị bắt tại Cairo, Egypt, và xử án ngày 3 tháng 12. Ông bị kết án tử hình nhưng được giảm xuống lưu đày sang Tích Lan. Đến tháng 5 năm 1901 thì ông được khedive (chúa) Abbas II ân xá và trở về Ai Cập.

Thời kỳ trước Bảo Hộ (1882 - 1914)

Người Anh lập lại Tewfik Pasha. Có lẽ ban đầu họ không muốn ở lâu, nhưng thấy tình hình tài chính trong nước cần nhiều sửa đổi dài hạn nên đã đổi ý. Mặc dù có thực quyền nhưng trên danh nghĩa họ vẫn coi Ai Cập là đất của nhà Ottoman.

Ngày 29 tháng 10 năm 1888, Hiệp định Constantinopolis (Convention of Constantinople) được ký kết giữa các nước Anh, Áo-Hung, Đức, Hà Lan, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, và Thổ Nhĩ Kỳ quy định rằng kênh Suez trung lập, ai cũng có quyền đi qua, trong thời bình cũng như thời chiến, nhưng cũng công nhận quyền của các khedive (chúa) Ai Cập được có những biện pháp để giữ nước hoặc giữ vững trị an.

Ngày 7 tháng 1 năm 1892, Tewfik Pasha qua đời. Con trưởng là Abbas II nối ngôi.

Tháng giêng năm 1894, sau khi bị người Anh ép buộc phải rút lại một lời phê bình quân Ai Cập do tướng Anh là Herbert Kitchener điều khiển, Abbas II bèn bí mật thành lập và yểm trợ phong trào quốc gia do ông Mustafa Kamil cầm đầu.

Cuối thế kỷ XIX, đế quốc Pháp bành trướng thành đế quốc có lãnh thổ rộng lớn nhất châu Phi. Năm 1898, họ muốn được người Anh nhượng quyền tại SudanAi Cập nên đưa quân đến Fashoda (cách Khartoum khoảng 650 km về phía nam). Việc này đưa đến cuộc khủng hoảng Fashoda. Từ tháng 7 đến tháng 12 năm 1898, quân Pháp và Anh ở trong tình trạng sẵn sàng giao chiến. Rốt cuộc, người Pháp rút lui, chiến tranh không xảy ra giữa Pháp và Anh.

Khi tướng Anh là Herbert Kitchener đối thoại với tướng Pháp là Jean-Baptiste Marchand tại Fashoda, ông đã nói đại ý rằng "tôi giữ đất Fashoda nhân danh nhà Ottoman và khedive của Ai Cập". Điều này cho thấy người Anh cũng còn tôn trọng nhà Ottoman và nhà Muhammad Ali phần nào.

Ngày 8 tháng 4 năm 1904, người Pháp ký tại Luân Đôn một thỏa ước cam kết rằng họ sẽ không cản trở cuộc cai trị của người Anh tại Ai Cập, và cũng không yêu cầu Anh rút khỏi Ai Cập. Qua thỏa ước này, người Anh cũng để cho Pháp rảnh tay củng cố thế lực ở các thuộc địa hoặc các vùng ảnh hưởng khác.

Năm 1906, có sự kiện Denshawai (the Denshawai incident), dân làng Denshawai bị sĩ quan Anh và pháp lý Anh ức hiếp, khiến cho sự uất ức và tinh thần quốc gia của người Ai Cập tăng cao. Nhưng trong lúc nhất thời, người Ai Cập không ngăn được người Anh tiến thêm một bước, đổi Ai Cập thành đất bảo hộ của Anh.

Thời kỳ Bảo Hộ (1914 - 1922)

Ngày 28 tháng 6 năm 1914, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Tháng 10 năm 1914, đế quốc Ottoman theo Liên minh trung tâm đánh phe Entente của vương quốc Anh. Người Anh bèn tuyên bố Ai Cập là đất Bảo Hộ của Anh, và không còn là đất của nhà Ottoman nữa. Ngày 19 tháng 12 năm đó, người Anh phế khedive (chúa) Abbas II, lập chú ông là Husayn Kamil, lại cho Husayn Kamil xưng là sultan (Hồi vương), ngang với các lãnh tụ nhà Ottoman.

Người Anh cũng không còn tôn trọng sự trung lập của kênh Suez ký kết trong Hiệp định Constantinopolis năm 1888. Họ cấm các tàu thuyền của Liên minh trung tâm đi qua kênh này. Năm 1915, quân Ottoman từ bán đảo Sinai đánh vào kênh Suez, nhưng bị quân Anh đẩy lui.

Năm 1917, từ Ai Cập, quân Anh liên tiếp thắng quân Ottoman, lần lượt chiếm Gaza, Jerusalem. Năm 1918, họ lại thắng và chiếm Damascus, Beirut, và Aleppo.

Ngày 9 tháng 10 năm 1917, sultan Husayn Kamil qua đời. Con trai độc nhất của ông là Kamal al-Din Husayn nhất định không chịu nối ngôi khi thực quyền còn trong tay người Anh, nên em trai ông là Fuad I lên thay.

Cuối năm 1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất chấm dứt. Những người Ai Cập yêu nước giờ đã quy tụ khá đông quanh đảng Wafd do ông Saad Zaghlul lãnh đạo. Đầu tháng 3 năm 1919, người Anh bắt ông Saad Zaghlul và một số cộng tác viên đem an trí ở đảo Malta. Người Ai Cập phản ứng ngày 8 tháng 3, họ phát động cuộc cách mạng Ai Cập năm 1919 (Egyptian Revolution of 1919), một cuộc tranh đấu bất bạo động, bất hợp tác với chính quyền Anh. Trong mấy tuần, cho đến tháng 4 năm 1919, những vụ đình côngbiểu tình được tiến hành khắp nơi trong nước. Sinh viên, công chức, doanh nhân, nông dân, công nhân, tu sĩ, phụ nữ, tín đồ Cơ Đốc giáo lẫn tín đồ Hồi giáo đều tham gia cuộc cách mạng này.

Những phụ nữ yêu nước biểu tình tại Cairo, 1919.

Theo tờ New York Times số ra ngày 25 tháng 7 năm 1919, con số tử vong của người Ai Cập trong cuộc cách mạng cho đến lúc ấy là 800 người, và số bị thương là 1600 người.[18]

Người Anh nhượng bộ, thả ông Saad Zaghlul về nước ngày 7 tháng 4 năm 1919. Họ cũng chấp thuận cho phái đoàn của đảng Wafd tham dự hội nghị hoà bình Versailles ở Pháp. Ngày 11 tháng 4 năm 1919, phái đoàn đảng Wafd đến Versailles điều đình đòi người Anh trả độc lập cho Ai Cập. Sự yêu cầu của họ đã bị từ khước. Tại đấy, Hoa Kỳ, nước mạnh bậc nhất sau thế chiến, khăng khăng ủng hộ Anh tiếp tục chiếm giữ Ai Cập.

Tháng 11 năm 1919, nước Anh cử hội đồng Milner (the Milner Commission) sang Ai Cập để giải quyết tình hình. Năm 1920, tử tước Alfred Milner đưa bản tường trình lên bộ trưởng ngoại vụ là hầu tước George Curzon, đề nghị rằng phải đổi quy chế bảo hộ thành một thỏa ước liên kết với Ai Cập. Hầu tước Curzon bèn chấp thuận tiếp kiến phái đoàn của ông Saad Zaghlul và hoàng thân Adli Pasha. Phái đoàn này đến Luân Đôn vào tháng 6 năm 1920 và thỏa thuận được đúc kết vào tháng 8 năm 1920. Vào tháng 2 năm 1921, nghị viện Anh phê chuẩn đồng ý thỏa thuận này và đòi hỏi Ai Cập gởi đến một phái đoàn có toàn quyền để ký một thỏa ước dứt khoát. Tháng 6 năm 1921, Adli Pasha cầm đầu phái đoàn Ai Cập đến Anh quốc. Nhưng, trong hội nghị đế quốc (Imperial Conference) tại Luân Đôn năm 1921, các đại biểu của "đế quyền" (Dominion) nhấn mạnh rằng Anh quốc phải nắm quyền kiểm soát vùng kênh Suez. Do đó bộ trưởng Curzon không thuyết phục được nội các chấp nhận các điều kiện mà Adli Pasha sẵn sàng ký kết. Cho nên phái đoàn ông Adli thất vọng trở về.

Sự chống đối gia tăng của người Ai Cập đưa đến sự ban hành thiết quân luật của chính quyền Anh tại Cairo vào tháng 12 năm 1921. Họ lại bắt ông Saad Zaghlul đem an trí ở Aden, rồi ở đảo Seychelles năm 1921. Người Ai Cập phản đối, và mãnh liệt hơn tại các vùng thôn quê. Họ tấn công vào các thiết bị quân sự, dân sự và nhân viên người Anh. Những phản đối này khiến Luân Đôn đã ký tuyên bố Ai Cập độc lập ngày 22 tháng 2 năm 1922.

Thời kỳ sau Bảo Hộ (1922 - 1936)

Ngày 16 tháng 3 năm 1922, Fuad I cải hiệu, không xưng là sultan nữa, mà xưng là vua của Ai Cập và Sudan, kèm thêm tước hiệu quân vương (sovereign) của Nubia, KordofanDarfur - là những xứ nằm trong địa phận Sudan ngày nay.

Tuy tiếng là độc lập, nhưng Ai Cập vẫn còn bị người Anh thao túng khá nhiều về chính trị, hành chính, thuế vụ, và các cải cách. Ngoài ra, quân Anh vẫn trấn giữ kênh Suez, Sudan và các thuộc địa khác của Ai Cập. Và quân Anh vẫn chưa rút khỏi Ai Cập.

Ngày 19 tháng 4 năm 1923 Ai Cập theo một hiến pháp mới, do đảng Wafd soạn thảo, quy định vua có quyền cao nhất, được các bộ trưởng phụ tá trong việc trị nước, nhưng cũng bị chia quyền bởi hai nghị viện, đảm trách bàn thảo và ban hành luật lệ. Ngày 16 tháng 1 năm 1924 nhà cách mạng Saad Zaghlul trở thành vị thủ tướng được dân bầu cử đầu tiên trong lịch sử Ai Cập. Quần chúng coi ông là vị anh hùng dân tộc.[19] Nhưng ông chỉ ở tại chức không đầy 1 năm. Sau khi ông Lee Stack, toàn quyền (governor-general) Sudan bị ám sát, và các đòi hỏi của người Anh mà ông thấy không thể chấp nhận, ông từ chức ngày 24 tháng 11 năm 1924.

Nhà cách mạng Saad Zaghlul

Chính sự Ai Cập sau đó gặp nhiều rối ren, như năm 1928 quốc hội bị giải tán, và một phần của hiến pháp không còn được tôn trọng. Năm ấy, Hasan al Banna lập phong trào Anh em Hồi giáo (Muslim brotherhood) chống lại đảng Wafd và xu hướng theo Âu tây trong xã hội. Năm sau, lại có Ahmad Husayn lập phong trào "Misr-al-Fatat" (Ai Cập trẻ). Ngày 4 tháng 10 năm 1929, thủ tướng Muhammad Mahmoud Pasha thoái chức, tòng nam tước Percy Lyham Loraine giữ chức toàn quyền (Governor General) Ai Cập trong 2 tháng, trước khi Ai Cập chọn được một thủ tướng khác. Năm 1931, đảng Wafd tẩy chay bầu cử, đảng Al-Sha'ab (đảng Nhân dân) lên nắm chính quyền. Từ năm 1933 đến năm 1936, vua Fuad I đích thân trị nước. Trong thời gian này, nhờ có những nhân vật uy tín như ông Sarwat Pasha hay ông Adli Pasha trở lại đảm trách chức thủ tướng, nên Ai Cập cũng được khá vững mạnh, để tiến đến việc đòi lại độc lập toàn vẹn.

Ngày 28 tháng 4 năm 1936, vua Fuad I qua đời. Hoàng tử Farouk, 16 tuổi, lên nối ngôi, thành vua Farouk I. Triều đình lập Hội đồng Nhiếp Chính do Hoàng tử Muhammad Ali Tewfik làm chủ tịch trong thời gian vua Farouk I được coi là chưa trưởng thành.

Năm 1936 hiến pháp được tái lập. Cả nước bầu cử, đảng Wafd trở lại nắm chính quyền. Ông Mustafa el-Nahhas, một chiến hữu từng bị lưu đày sang Seychelles cùng với nhà cách mạng Saad Zaghlul, cũng từng là thủ tướng năm 1928 và 1930, trở lại làm thủ tướng Ai Cập. Ngày 26 tháng 8 năm 1936, chính phủ Ai Cập và chính phủ Anh ký hiệp ước Anh - Ai Cập 1936: Anh rút hết quân khỏi Ai Cập, chỉ còn đóng ở vùng kênh đào Suez.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ai Cập dưới thời nhà Muhammad Ali http://encarta.msn.com/encyclopedia_761554408/isma... http://select.nytimes.com/gst/abstract.html?res=F1... http://www.ordenskreuz.com/egypt.html http://www.queennarriman.com/English/index.html http://fr.structurae.de/projects/data/index.cfm?id... http://www.4dw.net/royalark/Egypt/egypt.htm http://www.napoleon.org/fr/salle_lecture/chronolog... http://urss.ru/cgi-bin/db.pl?cp=&page=Book&id=3748... https://web.archive.org/web/20040619074441/http://...